Thêm doanh nghiệp bảo hiểm lên kế hoạch đầu tư ra thị trường các nước Đông Nam Á

Trước triển vọng tăng trưởng của thị trường các nước Đông Nam Á, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã lên kế hoạch đầu tư ra thị trường này, như Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) với thị trường Lào, Campuchia; Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với thị trường Myanmar…

Vietnam Reinsurance

Với BSH, sau khi hoàn tất việc tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng, một phần số tiền thu về sẽ được Công ty rót vốn thành lập hai công ty ở Lào và Campuchia. Cả hai công ty sắp thành lập đều hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do BSH nắm 100% vốn, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và đầu tư tài chính, với phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước bạn.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Lào và Campuchia còn non trẻ, giàu tiềm năng, với mức độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16%, trong khi mức độ cạnh tranh chưa cao như tại Việt Nam. Đồng thời, đây là hai thị trường có lợi thế gần gũi về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, luật pháp và triển vọng đầu tư với tổng mức đầu tư nước ngoài nói chung và của Việt Nam vào các thị trường này đang có xu hướng tăng trưởng mạnh.

Đại diện MIC cho biết, công ty này cũng xem xét đến kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là thị trường Lào và Campuchia. Năm 2014, MIC đặt ra mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ với mục tiêu doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, cổ tức dự kiến tối thiểu 7%/năm. Trong thời gian tới, MIC cũng sẽ thực hiện việc tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng hiện nay lên mức 800 tỷ đồng.

Đối với PTI, trước đó PTI đã từng cùng với Công ty LDB lập Công ty liên doanh bảo hiểm Lane Xang (LAP). Bên cạnh đó, kế hoạch mở văn phòng giao dịch tại Myanmar cũng vừa được Đại Hội đồng Cổ đông thường niên của Công ty thông qua.

Một vài doanh nghiệp bảo hiểm khác cho biết, họ cũng đang bắt đầu nghiên cứu, vì để chinh phục một thị trường mới, dẫu có nhiều điểm tương đồng về văn hóa như Lào, Campuchia hay Myanma, thì cũng cần thời gian để củng cố ngoại ngữ cho nhân lực cũng như hiểu biết về văn hóa bản địa.

Tính đến nay, các doanh nghiệp được thành lập tại nước ngoài bởi Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC) hay PTI chủ yếu hoạt động dưới hình thức liên doanh. Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, với các doanh nghiệp bảo hiểm thành lập liên doanh ở nước ngoài, về lâu dài cũng nên nghĩ đến việc tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối ở các liên doanh này, hoặc chuyển thành công ty 100% Việt Nam, để thực hiện được đúng định hướng hoạt động kinh doanh. Mô hình công ty liên doanh bảo hiểm dường như là một mô hình không thành công trong dài hạn tại Đông Nam Á

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn, webbaohiem.net