Bảo hiểm phi nhân thọ: Doanh thu tăng cao, bồi thường thấp

Báo cáo số liệu từ Cục QLBH cho thấy, 8 tháng đầu năm số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ là 7.482 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 31,90%, thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2015 (43,76%).

18/30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và chi nhánh DNBH nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 12 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường như: Fubon, Cathay, Phú Hưng…

Về thị phần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, top 5 ông lớn chiếm hơn 60% thị phần. Cụ thể, dẫn đầu thị trường là Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 4.733 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ, chiếm 20,18% thị phần. Vị trí thứ 2 thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 3.924 tỷ đồng, tăng 7,19% so với cùng kỳ, chiếm 16,73% thị phần.

Bảo hiểm PTI sau nhiều nỗ lực đã vượt qua Bảo Minh đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu đạt 1.909 tỷ đồng, tăng 27,03% so với cùng kỳ, chiếm 8,14% thị phần; Bảo Minh lùi về vị trí thứ 4 với doanh thu ước đạt 1.895 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cùng kỳ, chiếm 8,08% thị phần; vị trí thứ 5 thuộc về PJICO, với doanh thu ước đạt 1.525 tỷ đồng, tăng 9,67% so với cùng kỳ, chiếm 6,50% thị phần.

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (7.690 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,79%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (5.424 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,13%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (3.863 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,47%)…

Cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết, dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được lấy ý kiến và sẽ sớm ban hành, giúp DNBH nâng cao hơn nữa tính an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, dự thảo thông tư bổ sung sửa đổi quy định về tái bảo hiểm; trích lập dự phòng nghiệp vụ; nguyên tắc xác định doanh thu đối với trường hợp tái bảo hiểm; nguyên tắc xác định chi phí…
Đặc biệt, Dự thảo còn bổ sung một chương riêng quy định về thành lập, hoạt động của Ban Kiểm soát khả năng thanh toán.

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho sự phát triển của DNBH, cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng cho biết, tới đây trong giai đoạn 2016-2020, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được triển khai mạnh mẽ trong công tác quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm.

Nguồn: Sưu tầm