Dự phòng tổn thất đạt mức kỷ lục từ các sự kiện thời tiết tháng 9. Thách thức cho ngành bảo hiểm

Mùa bão năm 2024 đã ghi nhận nhiều cơn bão lớn phá kỷ lục hàng chục năm tại các khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đặc biệt nửa cuối tháng 9, đầu tháng 10 Thế giới đã chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan (bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất) gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu. Những thiệt hại do bão và lũ lụt trong tháng 9 đã đẩy mức dự phòng bồi thường lên mức kỷ lục, gây áp lực lên nhiều thị trường bảo hiểm lớn.

Bão Helene, một cơn bão cấp 4, đã đổ bộ vào Florida ngày 26 tháng 9 và lan ra nhiều bang ở miền đông nước Mỹ (Georgia, Bắc Carolina, Nam Carolina và Alabama) đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng với nhiều khu dân cư bị xóa sổ. Với sức gió lên tới 140 mph, gió mạnh kết hợp sóng dâng, mưa lớn và lũ lụt đã khiến nhiều vùng rơi vào tình trạng tê liệt, cuốn trôi đường sá, gây sạt lở đất, mất điện và mất thông tin liên lạc, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ước tính từ Karen Clark & Company (KCC) cho thấy thiệt hại được bảo hiểm từ cơn bão Helene có thể lên đến 6,4 tỷ USD, bao gồm tổn thất đối với tài sản dân cư, thương mại, công nghiệp và xe cộ.

(Sóng đập vào bờ biển trước khi bão Helene đổ bộ vào Cedar Key, bang Florida, ngày 26/9 (Ảnh: AFP)

Nếu như trận lũ lụt lịch sử tại Đức hồi tháng 6 làm cho châu Âu còn chưa hết bàng hoàng thì trung tuần tháng 9, lũ lụt diện rộng do mưa lớn (từ cơn bão Boris) đã tàn phá khu vực Trung Âu, bao gồm Romania, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo, Hungary, Slovakia và Đức. Verisk ước tính tổn thất được bảo hiểm từ trận lũ này dao động từ 2,2 tỷ đến 3,4 tỷ USD chủ yếu đến các tòa nhà dân cư và cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng do lũ lụt. Đáng chú ý, thiệt hại xảy ra trên diện rộng nhưng mức độ tổn thất được bảo hiểm sẽ khác nhau tùy theo tỷ lệ tham gia bảo hiểm của từng quốc gia.

Tại Việt Nam, cơn bão Yagi đi qua đã để lại hậu quả nặng nề, với ước tính dự phòng bồi thường bảo hiểm lên đến khoảng 10.000 tỷ VND (tương đương 400 triệu USD) tập trung vào các công trình hạ tầng, tài sản kỹ thuật. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính ban đầu, và số tiền bồi thường thực tế của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ thấp hơn sau khi công tác giám định và giải quyết tổn thất được hoàn tất.

(Cần cẩu tại cảng Mipec, Hải Phòng đổ sụp do chịu tác động của bão Yagi)
(Nhà xưởng bị tốc mái làm nguyên, phụ liệu bên trong nhiều nhà xưởng bị hư hại – Ảnh: B.NGỌC)

Trung Quốc cũng chịu thiệt hại lớn từ bão Yagi, với tổng mức dự phòng bồi thường bảo hiểm được ước tính khoảng 500 triệu USD.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan này là một lời cảnh báo về sự gia tăng tần suất và mức độ khốc liệt, khó lường của các hiện tượng thiên tai do biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự cảnh giác cao độ từ người dân và chính quyền. Các Công ty bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà tái bảo hiểm cung cấp những giải pháp bảo vệ phù hợp cho các rủi ro thiên tai tiềm tàng trong tương lai.