Hội nghị các nhà Giám đốc tài chính ngành bảo hiểm châu Á lần thứ VII

Hội nghị các Giám đốc tài chính trong ngành bảo hiểm châu Á lần thứ 7 vừa diễn ra ở Hồng Kông, chủ đề chính của Hội nghị lần này là “Vai trò của Giám đốc tài chính (CFO) trong việc ngăn ngừa rủi ro kinh doanh”. Phải chăng, vai trò của CFO ở các doanh nghiệp bảo hiểm đang nổi lên trong giai đoạn hiện nay?

Đây là chủ đề mới diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế đều có sự biến động thời gian qua và kéo dài đến hiện tại, khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm chịu nhiều rủi ro. Thứ hai, sự ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và môi trường đang ngày càng đe dọa hoạt động kinh doanh nói chung và trực tiếp là ngành bảo hiểm vì đây là ngành kinh doanh rủi ro. Thứ ba, cần phải có những chiến lược tốt để quản lý rủi ro khi sản phẩm, kênh phân phối bảo hiểm ngày càng đa dạng. Thứ tư, thách thức đổi mới đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng nhiều và yêu cầu về quản lý ngành bảo hiểm ngày càng cao để tránh sự đổ vỡ dây chuyền, trong đó có các yêu cầu về vốn, tài sản, tài chính doanh nghiệp bảo hiểm và sức mạnh tài chính (thể hiện qua mức độ xếp hạng tín dụng) ngày càng được chú trọng quan tâm.

Tất cả những rủi ro nói trên cần sự đối mặt vững chắc và tự tin của doanh nghiệp bảo hiểm và do đó, vai trò của giám đốc tài chính là hết sức quan trọng, vì giám đốc tài chính luôn phải tham gia vào những công việc này, cần quản trị tốt các tài sản đầu tư tài chính – bộ phận đem lại lợi nhuận lớn nhất, gắn liền với hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp để đảm bảo cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận ở mức hợp lý và xây dựng các chương trình tái bảo hiểm bảo vệ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm và về chiến lược sản phẩm, kênh phân phối. Ở nhiều thị trường tiên tiến trong khu vực, công tác quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp đã có nhiều bước tiến lớn so với những gì chúng ta đang có.

Quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro tài chính nói riêng là phục vụ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản trị rủi ro cần có khung quản trị rủi ro, mô hình quản lý rủi ro, chương trình quản lý rủi ro, hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp, khẩu vị rủi ro (risk appetite) và mức độ chịu đựng của doanh nghiệp (stress testing), các chương trình bảo vệ doanh nghiệp thông qua tái bảo hiểm và các mô hình bảo vệ trong trường hợp rủi ro thảm họa (động đất, sóng thần, lũ lụt…).

Nhìn chung, để quản trị rủi ro, cần có rất nhiều công việc phải làm trên cơ sở những nghiên cứu điều tra, thống kê hết sức tỷ mỉ, thận trọng, cùng các mô hình hỗ trợ phù hợp trên phạm vi quốc gia và khu vực, có khi cả trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa những yếu tố định tính và định lượng; giữa tính độc lập, khách quan của người làm công tác quản trị rủi ro và mối quan hệ phù hợp với quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Do vậy, việc quản trị rủi ro là một công việc khá khó khăn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, kể cả dưới góc độ về nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm về công tác này. Đã đến lúc chúng ta cần có những thay đổi và nhìn nhận đúng đắn hơn, quan trọng hơn về vai trò của quản trị rủi ro để có sự chuyển biến về chất lượng quản trị doanh nghiệp và có được những rào chắn chắc chắn hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nguồn: dautuchungkhoan