Hồn dân tộc trong bức tranh “Niềm tin – Hy vọng”

Bức tranh “Niềm tin – Hy vọng” là tác phẩm tranh sơn mài về chủ đề Hà Nội của họa sĩ Vũ Công Điền dựa trên ý tưởng của ông Trịnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re).

Khởi nguồn của bức tranh xuất phát từ nhu cầu cải tạo lại trụ sở làm việc của Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) vào giữa năm 2022 và kế hoạch đổi tên từ PVI Re thành Hanoi Re. Do thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, việc quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế là hoạt động thường xuyên của Công ty, làm sao để không gian văn phòng vừa thể hiện sự hiện đại, chuyên nghiệp, nhưng vẫn truyền tải được bản sắc văn hóa và truyền thống nước nhà đến bạn bè quốc tế là nỗi trăn trở của vị Tổng Giám đốc. Và ý tưởng về một bức tranh mang màu sắc dân tộc đã nảy sinh từ đó. Cùng với đó là kế hoạch đổi tên PVI Re thành Hanoi Re. Thực tế không hiếm gặp các công ty mang tẩm cỡ quốc tế mang tên Thủ đô của đất nước khởi nguồn của doanh nghiệp đó, “Hanoi Re” – cái tên gắn liền với Thủ đô của Việt Nam vừa thể hiện nguồn cội, vừa có ý nghĩa lịch sử, đồng thời vừa mang tính tự hào về dân tộc, về quê hương bản xứ. “Hanoi Re” – cái tên theo ông Tuấn mang rất nhiều ý nghĩa không chỉ là cội nguồn, xuất phát điểm của PVI Re, mà xa hơn Công ty muốn gửi gắm vào đó sự trân trọng đối với lịch sử, và khát vọng được mang cái tên Hà Nội vang danh khắp nơi trên thế giới. Nhưng Hà Nội thì có muôn vàn cách để thể hiện, kiến trúc, văn hóa, con người hay thiên nhiên, nếu chỉ thể hiện một khía cạnh liệu có đủ? Hà Nội thì nên nói về Hà Nội xưa hay Hà Nội nay? Và chỉ khi những tâm tư đó được giãi bày với họa sĩ Vũ Công Điền, thì những ý tưởng của ông Tuấn mới thực sự được lên hình. Bức tranh sơn mài “Niềm tin – Hy vọng” về chủ đề Hà Nội xưa và nay đã được ra đời như thế!

Lại bàn về nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam, tại sao lựa chọn tranh sơn mài mà không phải sơn dầu? Chia sẻ về sự lựa chọn sơn mài, ông Tuấn chia sẻ: “Sơn mài được coi là một trong các chất đặc trưng của hội họa Việt Nam, mang tinh thẩn cốt cách của dân tộc Việt. Từ xa xưa ông cha ta đã có những kỹ thuật làm sơn mài phát triển từ nghề sơn ta truyền thống có sự khác biệt và mang tính đặc trưng riêng của người Việt. Mỗi chất liệu để tạo nên bức tranh đều từ nguồn gốc tự nhiên có sẵn trong đời sống truyền thống của người Việt, nhìn vào tranh sơn mài là thấy màu của dân tộc”. Bức tranh sơn mài “Niềm tin – Hy vọng” được vẽ bởi nhiều chất liệu, ngoài sơn ta, còn là bạc thếp, vàng lá, cho đến vỏ trai, vỏ trứng, cật tre… tất cả các chất liệu dân gian được hòa trộn để tạo nên từng đường nét trên bức tranh, mang đến cảm nhận chân thực cho người xem như đang đứng trong chính không gian ấy. Không chỉ là nguồn chất liệụ truyền thống, họa sĩ Vũ Công Điền chia sẻ thêm: “Tranh sơn mài có đủ cả Ngũ hành, “Mộc” là cốt gỗ của bức tranh, “Thổ” là đất, trong công đoạn đầu tiên của tranh sơn mài là “bó hom vóc” cần sử dụng đất phù sa giã nhuyễn trộn với giấy bản rồi hom, chít trên các vết rạn của gỗ, tạo bề mặt bằng phẳng chắc chắn để thể hiện bức tranh, “Thủy” chính là nước cần trong quá trình mài tranh, “Kim”là các loại chất liệu vàng lá, bạc thếp để phối trộn với sơn tạo nên màu sắc đặc trưng trong tranh, và cuối cùng “Hỏa” – một số chất liệu cẩn được hơ nóng, đốt cháy để tạo hình tác phẩm, trong tranh có ngũ hành cũng giống như vạn vật có mối quan hệ tương sinh, tương khắc chuyển hóa qua lại để tạo nên sự sống của vạn vật”. Nghệ thuật làm tranh sơn mài còn rất khác biệt và kỳ công ở chỗ, tranh sơn mài phải mài mòn mới thấy hình, sơn sau khi ủ thì được mài nhiều lần cho đến khi đạt màu sắc và hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Và chính bởi những cốt cách đặc biệt như vậy của nghệ thuật sơn mài truyền thống, ông Tuấn đã quyết định lựa chọn sơn mài để thể hiện một bức tranh có một không hai tại trụ sở làm việc của Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re).

Hiểu được nghệ thuật tranh sơn mài, ta lại bàn đến nội dung của bức tranh. Nhìn bức tranh, đập vào mắt đầu tiên là một màu vàng nâu gần như xuyên suốt cả bức tranh, màu vàng này không chói lòa lộng lẫy như cung điện dát vàng của vua chúa xưa, cũng không phải màu vàng trong sáng như bức “mùa thu vàng” của Levitan, màu vàng của tranh Vũ Công Điền là màu vàng nâu, vàng pha trộn với màu nâu của đất, màu đỏ của lá mùa thu, màu của thời gian xưa cũ.

Bức tranh “Niềm tin – Hy vọng” mang đậm phong cách Đồng Hiện với những hình ảnh Hà Nội xưa và nay đan xen. Xem tranh giống như đọc một cuốn sách lịch sử về Hà Nội vậy. Cái tài của họa sĩ Vũ Công Điền là ở chỗ, ông đã khéo léo thể hiện những không gian xưa cũ với không gian hiện đại của Hà Nội thời nay một cách rất nhịp nhàng, đồng điệu, không hề thấy bất kỳ sự lạc lõng nào trong không gian ấy. Nhìn không gian mà cũng thấy được cả sự chuyển động của thời gian – sự đổi thay của Hà Nội từ xưa đến nay! Thật vậy, không khó để nhận ra ngay những công trình kiến trúc đặc trưng của Hà Nội, từ Ô Quan Chưởng – một trong 5 cửa ô của thành Thăng Long cũ, Chợ Đồng Xuân tấp nập sinh nhai, Hoàng Thành Thăng Long uy nghiêm cổ kính, Đền Quán Thánh – một trong bốn đền trấn giữ 4 cửa ngõ của kinh thành Thăng Long xưa. Tiến đến giữa bức tranh là quần thể các di tích Tháp Rùa – Hồ Gươm, Đài nghiên – Tháp Bút, đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc được đặt ở vị trí trung tâm bức tranh cũng giống như trái tim của Hà Nội, di chuyển tiếp về bên phải bức tranh là hình ảnh Khuê Văn Các (Văn miếu Quốc Tử Giám) – trường đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng của học vấn, kiến thức, đây đều là những công trình kiến trúc cổ đặc trưng của kinh thành Thăng Long xưa. Phong cách Đồng Hiện thể hiện rõ trên bức tranh, họa sĩ đã khéo léo sắp xếp một cách có chủ ý về các công trình di tích, vùng đất Đại La (Thăng Long) từ thời khai thiên lập địa bên sông, cho đến sự hình thành văn hóa giao thương – trao đổi, đến việc xây dựng thành trì bảo vệ bờ cõi chống ngoại xâm, rồi những công trình thể hiện đậm chất văn hóa nghệ thuật dân tộc, đến những công trình thể hiện sự chú trọng vào giáo dục đào tạo. Có Hà Nội xưa rồi thì cũng có cả Hà Nội ngày nay, ở phía xa là hình ảnh Cầu Long Biên – cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng do người Pháp xây dựng, Nhà thờ lớn, Khách sạn Metropole, Nhà hát lớn Hà Nội – biểu tượng kiến trúc Pháp đặc trưng thời kỳ Pháp thuộc, hình ảnh Cột cờ Hà Nội hùng dũng với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày độc lập, rồi những tòa nhà cao tầng nối tiếp nhau mọc lên thời kỳ đổi mới. Hà Nội thời nay đang chuyển mình thay đổi.

Một góc của Bức tranh “Niềm tin – Hy vọng”

Bàn về Hà Nội xưa và nay, chỉ khắc họa qua những công trình kiến trúc đặc trưng thì chưa đủ, Vũ Công Điền đã khéo léo đưa vào cả hình ảnh thiên nhiên, con người làm cho bức tranh thực sự trở nên sinh động có hồn. Nếu để ý kỹ sẽ thấy trong tranh có đủ cả 5 tầng lớp: “sĩ, nông, công, thương, binh” được họa sĩ khéo léo thể hiện trên từng không gian. Một ông đồ cho chữ, một gánh hát chầu văn, một hàng phở gánh, chị hàng xén với gánh hàng rong nặng trĩu, những bóng thiếu nữ trong tà áo dài, anh bộ đội với cành đào bịn rịn bên người thân, những đứa trẻ với tiếng reo hò chơi trò dân gian quen thuộc, một đoàn múa rồng rộn ràng đang uốn lượn biểu diễn điệu trong ngày đầu xuân … Vũ Công Điền đã sử dụng nhiều kỹ thuật ẩn dụ trong bức tranh, mỗi sự vật trong tranh đều gắn với một bóng cây, hay một bụi hoa. Mỗi loài hoa lại thể hiện một mùa đặc trưng của Hà Nội, mùa xuân với hoa trà nở, mùa hạ với hoa sưa, chớm thu hoa sữa, đông tới với cây bàng lá đỏ… Thiên nhiên được khéo léo lồng ghép không chỉ bởi phong cách của Vũ Công Điền là tranh phong cảnh, thiên nhiên, cây cối, mà còn bởi với ông cây là mang biểu tượng của sự sống, cây càng to càng thể hiện sự trường tồn, vững chãi, con người gắn với thiên nhiên luôn mang đến cảm giác về sự bình yên, vĩnh cửu. Có thể nói mỗi sự vật, mỗi hoạt động được thể hiện trên bức tranh vừa độc lập, vừa liên quan, khiến mỗi hình ảnh được khắc họa trong tranh đều ví như hàng chục bức tranh về Hà Nội được thu nhỏ và tập hợp vào bức tranh lớn, những góc phố nhỏ làm ta liên tưởng đến tranh phố phường Hà Nội của Bùi Xuân Phái, hay trích cảnh “thiếu nữ bên hoa phù dung” của Nguyễn Gia Trí, trích cảnh “cúc vạn thọ”, trích cảnh “chợ xuân”… hay gọi là nghệ thuật “trong tranh có tranh”!

Không chỉ vậy, khi xem mỗi cảnh sắc trong mối liên hệ với không gian và thời gian lại khiến ta liên tưởng đến những bản nhạc bất hủ về Hà Nội “đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây-Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”- nghệ thuật “trong tranh có nhạc”! Một gánh hát xẩm với nhịp phách, nhịp sênh réo rắt làm ta liên tưởng tới hình ảnh cụ Hà Thị Cầu đâu đây, một đoàn tàu điện nối đuôi nhau leng keng sớm khuya, lại thấy hình ảnh anh bộ đội trong “Hà Nội – ngày trở vể” tay cầm cành đào bịn rịn bên người thân, những cô gái trong tà áo dài “một thoáng quê hương” thướt tha bay bay trong gió dịu dàng, Hà Nội với những ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó, hình ảnh xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm, hoa sữa trắng muốt ngọt ngào đầu phố đêm đêm phảng phất chút heo may mùa thu, rồi tháng giêng hoa đào bừng nở, tháng hai hoa ban ngập tràn, mùa hoa tháng năm cháy rực phượng đỏ, hoa sấu tháng bảy, hoa xoan tháng ba, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ tất cả toát lên sự xinh đẹp vượt thời gian của Hà Nội.

Chuyển qua một không gian đương đại hơn với âm nhạc và hoạt động náo nhiệt nơi phố đi bộ Hồ Gươm, một nhóm nghệ sĩ đường phố với piano, violon, cello đang say sưa đắm mình trong không gian âm nhạc, một cô gái trong chiếc váy lấp lánh như đang phiêu theo điệu nhạc thể hiện sự tự do, phóng khoáng thời nay.

Ý tưởng về một bức tranh Hà Nội không phải là một ý tưởng mới, nhưng sự tham vọng truyền tải cả chiều dài lịch sử Hà Nội từ xưa đến nay vào một tấm hình là điều không phải ai cũng dám nghĩ tới. Nhưng với ý tưởng táo bạo của ông Trịnh Anh Tuấn kết hợp với tài năng của họa sĩ Vũ Công Điền đã mang đến không chỉ giá trị nghệ thuật cho bức tranh “Niềm tin – Hy vọng” với chất liệu sơn mài truyền thống mà còn mang ý nghĩa lớn về nội dung truyền tải. Thật vậy, lý giải về hình tượng múa rồng trong tranh, ông Tuấn giải thích: “Ý tưởng của tôi là muốn đưa hình ảnh rồng thời Lý vào tranh, đặc trưng rồng thời Lý không có nanh, không có móng vuốt, hình ảnh múa rồng thể hiện tích dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, đây không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử nguồn cội của thủ đô Hà Nội ngày nay”. Văn hóa nghệ thuật cũng có sự chuyển tiếp từ truyền thống đến hiện đại, nếu như bên trái bức tranh là những hình ảnh về gánh hát xẩm, hát chầu văn thì sang bên phải đã chuyển sang những loại hình nghệ thuật phương tây piano, violon, cello, cho thấy sự hội nhập phát triển, giao thoa văn hóa thế giới.

Không chỉ mang nhiều kỹ thuật ẩn mình, những điển tích trong tranh, mà bức tranh cũng chứa đựng nhiều giá trị về nghệ thuật tạo hình qua chất liệu sơn mài truyền thống. Với sơn mài, nhiều họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng phải công nhận rằng làm tranh sơn mài tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ và ngẫu nhiên, tùy thuộc vào lớp sơn sau khi mài có thể cho ra hiệu quả khác nhau. Cái tài của Vũ Công Điền là phối trộn các chất liệu một cách hiệu quả để tạo hiệu ứng bề mặt cho từng điểm nhấn trong tranh. Màu đen diễn tả thân cây, áo quần, nếp vải lụa được họa sĩ tạo hiệu ứng đen lánh và bóng bẩy, khác hẳn với màu đen của sơn dầu thô ráp hơn. Những cổng đền, những bức tường cổ, công trình di tích thì được họa sĩ sử dụng vỏ trứng để tạo màu trắng ngà, thể hiện những bức tường đã nhuốm màu thời gian. Màu vàng kim được sử dụng từ vàng dát mỏng để làm hiệu ứng cho màu nước Hồ Gươm, màu vàng phù sa của nước sông Hồng, uốn lượn ôm gần như trọn chiều dài của bức tranh. Màu vàng với chất liệu từ kim loại vàng dát mỏng không chỉ là giá trị mà còn mang đến sự trang trọng nhất định cho bức tranh, mang đến cho người xem cảm giác về sự am hiểu nghệ thuật, tâm huyết, và sáng tạo của chủ nhà.

Các màu tương sinh cũng được hiện hữu trong tranh, hệ màu nóng (cây bàng lá đỏ, cây cơm nguội vàng, hoa đỗ quyên đỏ rực) đối lập với màu lạnh của tán cây đa cổ thụ, gốc liễu xanh rủ bóng bên hồ, vừa tương khắc nhưng cũng tương sinh, làm nổi bật lẫn nhau, hỗ trợ nhau tạo nên tổng thể chặt chẽ và hòa hợp.

Một Hà Nội cổ kính từ xưa đến nay đã được khắc họa rất thành công trên nền một bức tranh khổ rộng (6 mét vuông) càng tôn thêm sự trang trọng, hoành tráng cho không gian văn phòng đặt bức tranh ấy.
Bức tranh được đặt tại phòng khách của Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI là nơi để tiếp đón các vị khách quý, nơi diễn ra những cuộc họp bàn quan trọng, những lễ ký kết lịch sử, bức tranh không chỉ thể hiện cội nguồn, là điểm tựa, nơi xuất phát của Tổng Công ty PVI Re mà hơn thế nó như một nhân chứng chứng kiến quá trình phát triển, trưởng thành và lớn mạnh của PVI Re qua năm tháng, là nơi gửi gắm NIỀM TIN vào con đường đã lựa chọn và HY VỌNG về sự phát triển vững vàng, lớn mạnh không ngừng của Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI trong tương lai.